Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

François Mauriac

Mauriac không đòi cái tuyệt đối; ông biết rằng cái tuyệt đối không tồn tại với đức hạnh trong trạng thái thuần khiết...

FRANÇOIS MAURIAC (11/10/1885 - 01/9/1970)

Giải Nobel Văn học 1952

* Nhà văn, nhà thơ Pháp

* Nơi sinh: Bordeaux (Pháp)

* Nơi mất: Paris (Pháp)

François Mauriac được trao giải Nobel vì những tác phẩm phản ánh bi-hài kịch đời người với một tinh thần thấu suốt và nghệ thuật thuyết phục. Chủ đề chính trong sáng tác của ông là cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, giữa Xác thịt và Linh hồn của "những con người sa ngã” và “nỗi cơ cực của con người không có Thượng đế”.

François Mauriac sinh trong một gia đình buôn rượu vang giàu có theo Công giáo, mồ côi bố khi chưa đầy hai tuổi, đến sống ở trang trại ông bà ngoại; bảy tuổi đi học, suốt đời mang ấn tượng về phong cảnh miền quê.

Tốt nghiệp trung học, F. Mauriac vào học khoa văn chương tại Đại học Bordeaux, sau chuyển đến Paris, làm báo và sớm trở thành nhà văn độc lập. Năm 1909, theo lời khuyến khích của tòa soạn báo Thời đại chúng ta, F. Mauriac xuất bản tập thơ đầu tiên Những bàn tay gắn kết; nhưng phải đến năm 1922 ông mới nổi tiếng là nhà viết tiểu thuyết có tài với cuốn Nụ hôn cho người hủi.

Trong Thế chiến I, tuy không phải nhập ngũ vì lí do sức khỏe, F. Mauriac vẫn tình nguyện tham gia tổ chức Hồng thập tự, phục vụ trong quân y viện hai năm ở Balkans, năm 1918 mới giải ngũ. Trong những năm 1920 ông viết hàng loạt tiểu thuyết, trong đó có cuốn Sa mạc tình yêu được tặng giải thưởng cao nhất của Viện Hàn lâm Pháp.

Thérèse Desqueyroux (1927) cũng là tác phẩm thành công, được giới phê bình coi là tiểu thuyết Pháp hay nhất đầu thế kỉ XX. Ổ rắn độc (1932) kể về một bi kịch gia đình với nghệ thuật phân tích tâm lí sâu sắc được coi là đỉnh điểm trong sáng tác của F. Mauriac. Năm 1933, nhà văn được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp.

Trong Thế chiến II, F. Mauriac tham gia chống phát xít Đức chiếm đóng Pháp, ủng hộ De Gaulle. Tiểu thuyết Cuốn sổ đen được trao tặng huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Sau năm 1945 F. Mauriac làm đại diện Pháp trong tổ chức Liên Hiệp quốc (UNESCO). Lần đầu tiên ông được đề cử tặng giải Nobel vào năm 1946, nhưng phải 6 năm sau mới được trao giải. Từ đó đến cuối đời F. Mauriac xuất bản thêm 2 cuốn tiểu thuyết, hàng loạt hồi kí (chủ yếu về De Gaulle) và làm báo (giữ những chuyên mục rất nổi tiếng thời bấy giờ). Nhà văn mất năm 85 tuổi, một năm sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết cuối cùng.

Có thời kì F. Mauriac được đánh giá là nhà văn Pháp lớn thứ hai trong thế kỉ XX (sau M. Proust), nhưng dần dần uy tín của ông bị giảm sút, theo các nhà phê bình thì chủ yếu là do đề tài và văn phong của ông hơi đơn điệu.

* Tác phẩm:

Những bàn tay gắn kết (Les mains jointes, 1909), thơ.

Đứa con dưới gánh nặng xích xiềng (L"enfant chargé de chaines, 1911), tiểu thuyết.

Thịt và máu (La chair et le sang, 1920), tiểu thuyết.

Nụ hôn cho người hủi (Le baiser aux lepreux, 1922), tiểu thuyết.

Sông lửa (Le fleuve de feu, 1923), tiểu thuyết.

Bà cụ tổ (Genitrix, 1923), tiểu thuyết.

Giông tố (Orages, 1925), thơ.

Sa mạc tình yêu (Le désert de l"amour, 1925), tiểu thuyết.

Điều đã mất (Ce qui était perdu, 1926), kí.

Thérèse Desqueyroux (Thérèse Desqueyroux, 1927), tiểu thuyết.

Những đau khổ của một tín đồ Kitô giáo (Souffrances du Chrétien, 1928), tiểu luận.

Chúa và Mammon (Dieu et Mammon, 1929), tiểu luận.

Đau khổ và niềm vui của một tín đồ Kitô giáo (Souffrances et bonheur du chrétien, 1931), [Anguish and Joy of the Christian Life], tiểu luận.

Ổ rắn độc (Le noeud de vipère, 1932), tiểu thuyết.

Bí ẩn nhà Frontenac (Le Mystère Frontenac, 1933), tiểu thuyết [The Frontenac mystery].

Đêm tàn (La fin de la nuit, 1935), tiểu thuyết.

Các thiên thần đen (Anges noirs, 1936), truyện.

Đời Jésus (La vie de Jésus, 1936), tiểu luận.

Lặn dưới nước (Plongées, 1938), tập truyện.

Asmodée (Asmodée, 1938), kịch.

Những con đường của biển (Les chemins de la mer, 1939), truyện.

Máu Atys (Sang d"Atys, 1940), thơ.

Người đàn bà đạo đức giả (La pharisienne, 1941), kịch.

Cuốn sổ đen (Le cahier noir, 1943), tiểu thuyết.

Nhật kí (Journal, 1934-1950), hồi kí.

Con cừu non (L"Agneau, 1954), tiểu thuyết.

Hồi kí nội tâm (Mémoires intérieurs, 1959), luận văn.

Điều tôi tin (Ce que je crois, 1962), hồi kí.

Nghiên cứu về Charles de Gaulle (1964).

Một đứa trẻ ngày nào (Un adolessent d"autrefois, 1969), tiểu thuyết.

Ba câu chuyện (Trois récits), tập truyện ngắn.

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

Cuộc tình buồn, Nguyễn Bích Như - Thu Uyên dịch, NXB Tổng hợp Bình Định, 1990.

Người vợ cô đơn (tiểu thuyết), Mặc Đỗ dịch, NXB Hội Nhà Văn, 1997.

Bí ẩn nhà Frontenac, Dương Linh dịch, NXB Thế Giới, 1999.

© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Andes Österling, thư ký thường trực Viện Hàn Lâm Thụy Điển

Những ai nghiên cứu tác phẩm của François Mauriac sẽ bị ấn tượng ngay từ đầu khi thấy nhà văn trước sau như một chỉ hiến mình cho việc miêu tả một nơi cụ thể, một mảnh đất mà người ta có thể chỉ ra trên bản đồ nước Pháp. Hành động trong tiểu thuyết của ông gần như luôn luôn diễn ra ở Gironde, thuộc vùng Bordeaux, một miền nông thôn trồng nho nơi đất đai thuộc quyền sở hữu của các lâu đài và nông trại nhỏ, hoặc ở Landes, một miền quê với những cây thông và cánh đồng chăn thả cừu, nơi bài ca những chú ve sầu rung lên trong không gian hiu quạnh và Đại Tây Dương ầm ì như sóng ở xa xa.

Đây là quê hương của Mauriac. Ông cảm thấy thiên mệnh của mình là miêu tả miền quê đặc sắc này và người dân ở đó, đặc biệt là những người chủ đất; và có thể nói, phong cách riêng của ông đã dự phần vào nguồn năng lượng ẩn mình uốn cong những dây nho và những tia nắng chói chang đổ xuống từ bầu trời nóng như thiêu đốt. Trong ý nghĩa đó, không thể chối cãi rằng nhà văn được đọc trên toàn thế giới này là một người dân tỉnh lẻ chính cống, nhưng tính cách tỉnh lẻ của ông hề không loại trừ những vấn đề lớn lao của con người trên phạm vi toàn cầu. Nếu muốn đào sâu, người ta trước hết và luôn luôn cần phải có một nền đất để thọc cuốc xuống.

Thời thơ ấu Mauriac hầu như chỉ quanh quẩn bên mẹ; ông lớn lên trong một môi trường mà ở đó ảnh hưởng của người mẹ lấn át mạnh mẽ. Ảnh hưởng đó vẫn không ngừng tác động đến tính nhạy cảm của ông khi đã tới tuổi thanh niên. Có lý do để tin rằng về sau ông đã bị ngỡ ngàng một cách đau đớn khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cho đến khi ấy chỉ được dẫn dắt bởi những lời răn đạo hạnh, ông đã không ngờ rằng cái ác thống trị thực tại đến nỗi nó xuất hiện ngay trong sự đơn điệu và ơ hờ lãnh đạm của cuộc sống hàng ngày.

Sinh ra là tín đồ Cơ đốc giáo, được giáo dưỡng trong bầu không khí Cơ đốc giáo, cái đã trở thành thế giới tinh thần của ông, nói ngắn gọn, ông đã không bao giờ phải quyết định đi theo hay chống lại Giáo hội. Nhưng cũng có đôi lần ông xem xét lại và công khai xác định quan điểm Cơ đốc giáo của mình, trên hết là để đặt câu hỏi liệu có thể dung hòa chăng những đòi hỏi của quan điểm hiện thực chủ nghĩa đối với nhà văn với những lời răn của chúa và những cấm kỵ của nhà thờ. Ngoài những mâu thuẫn không thể tránh và không thể hoà giải được đó, Mauriac, với cương vị nhà văn, dùng tiểu thuyết để giãi bày một khía cạnh cụ thể của cuộc sống con người mà trong đó tư tưởng và tình cảm Cơ đốc giáo vừa là nền tảng vừa là yếu tố chủ đạo.

Vì vậy, độc giả không phải người Cơ đốc giáo có thể cảm thấy ở mức độ nào đó rằng họ đang nhìn vào một thế giới xa lạ đối với họ; nhưng để hiểu được Mauriac, người ta phải nhớ một điều mà thiếu nó thì không một kết luận nào về ông có thể hoàn chỉnh: ông không thuộc về lớp nhà văn cải đạo. Chính ông ý thức rõ về cái sức mạnh mang lại cho ông những cội rễ mà nhờ nó ông có thể viện đến một truyền thống lớn lao và nghiêm khắc trong khi khảo sát những linh hồn trĩu nặng tội lỗi và khảo sát chi li những ý định thầm kín của họ.

Mauriac đã được đảm bảo một vị trí trung tâm trong văn học hiện đại suốt một thời gian dài và một cách hiển nhiên đến nỗi hàng rào tôn giáo đã mất hết tầm quan trọng. Trong khi nhiều nhà văn cùng thế hệ với ông từng có một vinh quang ngắn ngủi nhưng nay hầu như đã bị lãng quên, hình ảnh ông ngày càng nổi bật cùng với năm tháng. Trong trường hợp của ông, đó không phải là chuyện danh tiếng đạt được bằng cái giá của sự thỏa hiệp, bởi vì nhãn quan u ám và khắc nghiệt của ông về thế giới chẳng hề được tạo ra để làm hài lòng những kẻ đồng thời với ông.

Ông luôn có nhiều cao vọng. Với tất cả sức mạnh, tất cả sự nhất quán của những gì thuộc khả năng mình, ông cố gắng tiếp nối truyền thống của những nhà đạo đức Pháp vĩ đại như Pascal, La Broyére và Bossuet trong tiểu thuyết của ông. Ở đây chúng tôi xin nói thêm rằng ông đại diện cho một khuynh hướng nhằm tới cảm hứng tôn giáo, khuynh hướng mà đặc biệt ở Pháp đã luôn luôn là yếu tố cực kỳ quan trọng của sự định hình tâm linh.

Nếu trong ngữ cảnh này tôi có thể nói một vài lời về Mauriac như một nhà báo xuất sắc thì, vì lợi ích của tư tưởng Châu Âu, chúng ta không được quên những tác phẩm của ông trong lĩnh vực này, những lời bình của ông về các sự kiện hàng ngày, toàn bộ một khía cạnh khác trong hoạt động văn học của ông, xứng đáng nhận được sự kính trọng của công chúng.

Nhưng nếu ông là người được nhận giải Nobel văn học năm nay thì hiển nhiên, trên tất cả là do những tiểu thuyết đáng khâm phục của ông. Chúng tôi chỉ cần kể tên vài tác phẩm như Sa mạc tình yêu (Le Dêsert de l"amour, 1925), Thérèse Desqueyroux (1927), tiếp theo là Đêm tàn (La Fin de Nuit, 1935), Người phụ nữ thuộc giáo phái Pharisien (La Pharisienne, 1941) và Búi rắn (Le Noeud de vipères, 1932) chứ không định nhắc tới giá trị nghệ thuật của những tác phẩm này, những giá trị đã đặt hẳn chúng vào một hạng riêng biệt; bởi vì ở mọi nơi, trong toàn bộ các tiểu thuyết của Mauriac ta đều tìm thấy những khung cảnh, những đối thoại, những tình huống phô bày [thực tại] một cách huyền bí và tàn nhẫn.

Sự nhắc lại cùng một số chủ đề có thể tạo nên sự đơn điệu nào đó, nhưng ở mỗi tiểu thuyết, những phân tích sắc bén và bút pháp dứt khoát của Mauriac đều khơi dậy [ở người đọc] lòng ngưỡng mộ như nhau. Không ai vượt qua được Mauriac trong tính súc tích và sức biểu đạt của ngôn ngữ; văn của ông có thể chỉ một vài dòng khơi gợi là có thể rọi ánh sáng vào những sự việc khó khăn và phức tạp nhất. Các tác phẩm xuất sắc nhất của ông có đặc trưng là sự thuần khiết duy lý và cách diễn đạt tiết chế một cách cổ điển gợi ta nhớ đến bi kịch Racine.

Sự lo lắng không nói nên lời của tuổi trẻ, vực thẳm của cái ác và mối đe dọa thường trực về sự hiện diện cái ác, sự cám dỗ lọc lừa của xác thịt, sự thống trị của lòng tham trong cuộc sống vật chất, sự tàn ác của thói ích kỷ và đạo đức giả, tất cả là những mô-tip thường xuyên trở lại dưới ngòi bút của Mauriac. Chẳng đáng ngạc nhiên rằng khi sử dụng một bảng màu như vậy, ông đã bị buộc tội là bôi đen chủ đề một cách vô cớ, là viết như một kẻ thù ghét con người.

Nhưng câu trả lời của ông là: ngược lại, nếu toàn bộ khái niệm về thế giới của một nhà văn là dựa trên lòng thương, và nếu nhà văn đó nhìn thấy sự cứu rỗi tối hậu của con người ở tình yêu của Chúa, anh ta sẽ luôn luôn làm việc trong hy vọng và niềm tin. Chúng ta không có quyền nghi ngờ sự chân thật của tuyên ngôn này, nhưng rõ ràng, nó cũng chứng minh rằng trên thực tế, tội lỗi hấp dẫn ông hơn là sự ngây thơ vô tội.

Ông ghét những gì khuyên răn giáo hóa, và trong khi không bao giờ mệt mỏi trong việc mô tả linh hồn gắn liền với cái ác và đang trên đường sa hỏa ngục, nhìn chung ông thích hạ màn ngay tại thời điểm ý thức về thống khổ sắp sửa đẩy linh hồn về phía ăn năn cứu rỗi. Nhà văn tự giới hạn trong vai nhân chứng cho giai đoạn tiêu cực của quá trình tiến hóa này, còn toàn bộ mặt tích cực, ông để lại cho thầy tu, người không phải viết một cuốn tiểu thuyết nào.

Chính Mauriac có lần nói rằng mọi người là tự do trong việc tìm kiếm sự thoả mãn trong văn học, cái làm đẹp cho đời và cho phép ta thoát khỏi thực tại, nhưng sự ưa chuộng mà hầu hết mọi người dành cho loại văn học này không nên khiến chúng ta có những định kiến bất công đối với những nhà văn có khuynh hướng [tìm tòi để] biết về con người. Không phải chúng ta ghét cuộc sống.

Những kẻ duy nhất ghét cuộc sống là những ai không có khả năng nhìn thẳng vào nó, bóp méo nó. Những người thực sự yêu cuộc sống yêu nó như nó vốn có. Họ đã lột bỏ dần dần những mặt nạ của nó và dâng trái tim họ cho con quái vật cuối cùng đã lộ rõ chân tướng này. Một trong những cuộc tranh luận của ông với André Gide, ông trở lại quan điểm cốt lõi của mình và khẳng định rằng sự chân thành trọn vẹn nhất chính là dạng thức danh dự gắn liền với nghề văn.

Thường khi, Tartuffe được cho xuất hiện dưới lốt thầy tu, nhưng Mauriac khẳng định với chúng ta rằng nhân vật này thường có mặt nhiều hơn giữa những kẻ ủng hộ học thuyết về tiến hóa duy vật. Rất dễ nhạo báng những nguyên tắc đạo đức, nhưng Mauriac phản đối sự chế nhạo này; như ông đã tuyên bố rất đơn giản rằng “Mỗi chúng ta đều biết mình có thể ít xấu (ác) hơn chính mình hiện tại”.

Câu văn giản đơn này có lẽ là chìa khoá mở ra bí ẩn về điều thiện trong tác phẩm của Mauriac, bí ẩn về sự nồng nàn u tối của chúng và sự không hài hoà tế vi của chúng. Sự đào sâu của ông vào những nhược điểm và thói xấu của con người không đơn giản chỉ do lòng ham muốn hoàn thiện tài văn. Thậm chí, ngay cả khi phân tích hiện thực không chút thương xót, Mauriac vẫn dành lại một điều tất định sau cùng rằng có một sự khoan dung nằm ngoài mọi [trí năng] hiểu biết.

Ông không đòi cái tuyệt đối; ông biết rằng cái tuyệt đối không tồn tại với đức hạnh trong trạng thái thuần khiết, và ông nhìn không chút độ lượng những kẻ tự gọi mình là đạo hạnh. Trung thành với sự thật mà ông đã biến thành của chính mình, ông phấn đấu miêu tả những nhân vật của ông sao cho, khi nhìn thấy chính mình như họ vốn có, họ sẽ bị sốc mạnh bởi nỗi ăn năn và mong muốn nếu không trở thành tốt hơn thì ít nhất cũng bớt phần ác. Các tiểu thuyết của ông có thể so sánh với những cái giếng hẹp nhưng sâu, mà dưới đáy ta có thể thấy lấp lánh một làn nước huyền bí trong bóng tối.

Thưa Ngài và các đồng nghiệp, trong vài phút phát biểu, tôi chỉ có thể nói về sự nghiệp của ngài một cách sơ lược. Tôi biết nó xứng đáng nhận được ngưỡng mộ như thế nào; tôi cũng biết rằng, nói về nó một cách thích đáng, cũng như tuyên bố vài lời chung chung mà không bỏ sót những đặc trưng cụ thể trong tác phẩm của ngài là việc khó nhường nào. Năm nay, Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã quyết định trao giải Nobel văn học cho ngài “cho nhận thức tâm linh sâu xa và sức mạnh nghệ thuật mà cùng với nó, trong tiểu thuyết của mình, ngài đã thâm nhập vào vở kịch nhân sinh”.

Giờ đây, tôi xin gửi tới ngài lời chúc mừng chân thành nhất của Viện Hàn Lâm Thụy Điển, người anh em của Viện Hàn Lâm Pháp đáng kính của ngài, và xin mời ngài lên nhận phần thưởng từ tay Hoàng thượng.

*
Tân Đôn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính

© Culture Globe
Việt Báo (Theo_VietNamNet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!