Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

Công giáo trong lòng Tổ quốc

Ngày ngày trên khắp các xứ, họ đạo vang lên lời hát thánh ca: "Trước khi là người công giáo, tôi đã là người Việt Nam", để cho tất cả mọi người công giáo Việt Nam chân chính tin tưởng rằng: Con đường làm sáng danh Chúa chính là con đường đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau xây dựng một đất nước Việt dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Nghệ An, ở bất cứ thời kỳ nào cũng đều có các vị chức sắc và đồng bào công giáo tham gia với tinh thần kính Chúa - yêu Nước.

Từ cuối thế kỷ XIX, trong đêm trường của chế độ phong kiến, trên mảnh đất quê hương ta đã xuất hiện một ngôi sao sáng. Đó là Nhà canh tân yêu nước Nguyễn Trường Tộ - một người con của cộng đồng giáo dân Nghệ An và cả nước. Tầm tư duy vượt thời đại của ông đã lan tỏa sang các quan lại và nhân dân để thấm sâu vào mạch nguồn cuộc sống. Tư tưởng hội nhập quốc tế, mở rộng giao lưu, công khai dân chủ, ý chí tự lực tự cường, hội nhập mà vẫn giữ được độc lập dân tộc của Nguyễn Trường Tộ vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay.

Đầu thế kỷ XX theo tiếng gọi của phong trào Đông Du, các linh mục Nguyễn Văn Tường quản lý Tòa giám mục; linh mục Nguyễn Thần Đồng, quản xứ Xã Đoài; linh mục Đậu Quang Lĩnh, Thư ký tòa giám mục Xã Đoài đã vượt qua sự theo dõi của bọn mật thám để vận động quyên góp tiền cho các thanh niên công giáo đi theo phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Khi bị thực dân Pháp bắt giam tại Côn Đảo, bị tra tấn cực hình, nhưng 3 cụ linh mục vẫn giữ trọn khí tiết, trọn cuộc đời hiến dâng cho Thiên chúa và Tổ quốc.

Người thanh niên công giáo Mai Lão Bạng sau khi tu học tại Chủng Viện Xã Đoài đã sang Nhật gặp cụ Phan Bội Châu, cùng tham gia thành lập Việt Nam Quang Phục Hội, làm Ủy viên Ban Chấp hành, phụ trách kinh tế. Ông cùng với Phan Bội Châu bị Tưởng Giới Thạch bắt giam, sau đó bị đưa về Nhà lao Hà Nội, Nhà lao Vinh và bị kết án tù chung thân.

Hoạt động cùng thời với Mai Lão Bạng còn có rất nhiều thanh niên công giáo như Nguyễn Hộ, Lê Khánh. Hành động anh dũng chiến đấu để giải vây cho ông Ngư Hải của Lê Khánh, sau đó bị Pháp giết hại, là một hành động rất anh hùng, thể hiện lòng yêu nước, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn của đồng bào công giáo lúc bấy giờ.

Năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Nhiều thanh niên Nghệ An đã lên đường sang Trung Quốc, trong đó có người thanh niên công giáo tiêu biểu Trương Vân Lĩnh. Thông minh, học giỏi tận tụy và dũng cảm, Trương Vân Lĩnh luôn được Bác Hồ quan tâm dạy bảo và trở thành cán bộ cốt cán của phong trào. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Hồ Tùng Mậu, chính Trương Vân Lĩnh là người có công bảo vệ Bác Hồ những năm hoạt động đầy gian khổ ở nước ngoài.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bọn phản động đã kích động bà con giáo dân di cư vào Nam, gây nên tình cảnh rất hỗn độn, gia đình, anh em ly tán. Trong hoàn cảnh đó, cụ Hà Văn Quận, một giáo dân ở xứ đạo Nhân Hòa, Nghi Lộc đã không quản ngày đêm đi hết xứ này đến xứ khác để khuyên ngăn mọi người ở lại xây dựng quê hương. Nhiều người đã nghe theo lời khuyên của cụ, an tâm ở lại thờ Chúa và xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Nhiều thanh niên công giáo đã tham gia chiến đấu ở các chiến trường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Máu của họ đã hòa quyện cùng máu của các anh hùng liệt sĩ tô thắm cho màu cờ Tổ quốc Việt Nam.

Trong công cuộc xây dựng đất nước quê hương ngày nay đồng bào công giáo tỉnh ta luôn luôn tâm niệm: Thiên chúa là đấng hoàn hảo, toàn năng, hằng có đời đời, ở khắp mọi nơi, trọn tốt, trọn lành, thông biết mọi sự, nhân từ và công bằng. Vì vậy đồng bào luôn thực hiện tốt 10 điều răn của Chúa, 6 điều răn của Hội thánh, 20 điều quy định nghĩa vụ trong quan hệ với linh hồn, đồng loại và bản thân.

Đồng bào công giáo đã thực hiện tốt con đường mà Giáo hội Việt Nam đã lựa chọn: Con đường sống phúc âm trong lòng dân tộc. Phong trào thi đua yêu nước của đồng bào công giáo phát triển rộng khắp trên nhiều lĩnh vực Nổi bật nhất là giúp nhau làm kinh tế gia đình, vượt nghèo, làm giàu chính đáng, giữ gìn trật tự xã hội, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng, hoạt động từ thiện nhân đạo. Nhiều cụ linh mục, chức sắc đã mở các trung tâm nuôi dạy các trẻ em tàn tật, mồ côi, giúp bà con lúc hoạn nạn. Đó là những việc làm rất cao đẹp, được xã hội tôn vinh.

Cùng với sự phát triển của quê hương, đất nước, tổ chức và hoạt động của đạo công giáo trên địa bàn tỉnh ta không ngừng được phát triển. Chỉ mới so sánh số liệu năm 2000 với hiện nay chúng ta đã thấy số lượng giáo dân tăng hơn 1 vạn người, nâng tổng số giáo dân tỉnh ta lên 24,5 vạn; tăng thêm 15 xứ đạo, nâng tổng số lên 77 giáo xứ; tăng thêm 35 giáo họ, nâng tổng số lên 327 giáo họ. Xây dựng mới 21 nhà thờ xứ, 72 nhà thờ họ, 59 các công trình khác như nhà nguyện, nhà trẻ, nhà thuốc... 90% đường thôn xóm vùng đồng bào có đạo được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% xóm có điện sinh hoạt. Đồng bào công giáo được hưởng thụ các công trình công cộng cùng với cộng đồng, được bình đẳng thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá và hộ giàu.

Đặc biệt có thêm 23 cụ được thụ phong linh mục, 44 ban hành giáo xứ, 143 ban hành giáo họ mới được thành lập.

Đó là bằng chứng rất sinh động chứng minh cho chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; sự cố gắng vươn lên sống tốt đời đẹp đạo của các vị chức sắc, chức việc và bà con công giáo, sự đoàn kết gắn bó của cả cộng đồng xã hội.

Bên cạnh thành tựu là cơ bản, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta vẫn thấy ở vùng có đông đồng bào công giáo vẫn còn một số vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân.

Một số cán bộ cơ sở còn mặc cảm với quá khứ của đạo công giáo khi du nhập vào Việt Nam cùng với quá trình xâm lược của thực dân Pháp, từ đó gây nên những cản trở, khó khăn, cách nhìn hẹp hòi, tìm cách hạn chế các hoạt động tôn giáo; chậm trả lời, thậm chí là không trả lời các kiến nghị, đề xuất của tổ chức giáo hội và bà con giáo dân. Cá biệt còn có hiện tượng phân biệt đối xử, thiếu sự quan tâm chăm lo đời sống kinh tế, văn hóa xã hội ở vùng có đồng bào theo đạo. Một số nguyện vọng chính đáng của tổ chức giáo hội và bà con giáo dân chậm được xem xét giải quyết một cách thấu tình đạt lý.

Một số vị chức sắc, chức việc và bà con giáo dân thiếu bình tĩnh, thiếu tôn trọng pháp luật, đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai, kích động giáo dân chống đối người thi hành công vụ.

Luật pháp Việt Nam quy định Đất đai là tài sản quốc gia. Đối với tổ chức tôn giáo cũng như các tổ chức chính trị, xã hội, hội nghề nghiệp được thà nước giao đất, có quyền sử dụng đất đúng mục đích, nhưng không được mua bán, tặng, biếu, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ, không được sử dụng sai mục đích đã ghi trong quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Khi tổ chức tôn giáo có nhu cầu đất đai phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật, nếu chính quyền không giải quyết thì đề xuất lên chính quyền cấp cao hơn. Nhưng không thể hành động theo "luật rừng" vô chính phủ.

Trên địa bàn tỉnh ta có nhiều tôn giáo, nhiều tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, hơn 3 triệu người cư trú, nhưng không có ai hành động lấn chiếm đất đai ngang ngược như một số chức sắc, chức việc và một số bà con công giáo.

Chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã hết sức kiềm chế bởi vì họ thấu hiểu sâu sắc rằng phải trải qua cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, dân tộc ta mới giành được độc lập. Lúc này hơn lúc nào hết phải cố kết cộng đồng, tập trung toàn lực cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước, quê hương. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau "nồi da, nấu thịt". Nhưng sự kiềm chế bao giờ cũng có giới hạn. Luật pháp quốc gia là tối thượng. Mọi hành động vi phạm pháp luật đều phải được xử lý thích đáng.

Tòa thánh Vatican luôn tôn trọng luật pháp của các quốc gia, họ mong muốn đạo công giáo hòa vào dòng chảy của nền văn hóa bản địa, tôn trọng đời sống tinh thần, tín ngưỡng và tâm linh của các dân tộc. Để mở rộng ảnh hưởng của đạo công giáo, cộng đồng Vatican II khuyến khích các giáo dân tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội để có điều kiện phổ biến những giá trị đạo đức của tôn giáo mình. Ấy vậy mà ở tỉnh ta có một số vị chức sắc không cho giáo dân vào Đảng, những ai kết nạp rồi không cho chuyển thành đảng viên chính thức, tìm cách cô lập những đảng viên, cán bộ có đạo, thậm chí có cả những hành động phân biệt đối xử với con em của họ. Đó là những việc làm thể hiện ấu trĩ về chính trị, non nớt về tầm nhìn, không những vi phạm quyền tự do của con người, mà còn làm trái những điều răn dạy của Thiên chúa.

Đảng và Nhà nước Việt Nam từ trước tới nay luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo: Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng theo hoặc không theo tôn giáo của công dân; thừa nhận tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, nhiều giá trị đạo đức tôn giáo phù hợp với yêu cầu của cuộc sống mới.

Chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp luật pháp với những giá trị tiến bộ của giáo lý, giáo luật tôn giáo; kết hợp niềm tin tôn giáo với niềm tin vào một xã hội mang lại ấm no, hạnh phúc cho con người; kết hợp sống tốt đời với đẹp đạo; kết hợp việc xưng tội với việc khuyên răn giáo dục đạo đức lối sống, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.

Chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp cùng các vị chức sắc, chức việc trao đổi thẳng thắn, kịp thời những vấn đề nảy sinh trong hoạt động tôn giáo. Cùng nhau giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật những nguyện vọng chính đáng của cộng đồng giáo dân; để ngày ngày trên khắp các xứ, họ đạo vang lên lời hát thánh ca: "Trước khi là người công giáo, tôi đã là người Việt Nam", để cho tất cả mọi người công giáo Việt Nam chân chính tin tưởng rằng: Con đường làm sáng danh Chúa chính là con đường đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau xây dựng một đất nước Việt dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trường Sơn
Nguồn: Báo Nghệ An 23/12/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!