Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh đồng nhất và là một bộ phận văn hóa chính trị Hồ Chí Minh. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự thống nhất các mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Muốn đạt được mục tiêu đó, Hồ Chí Minh đã xác định phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc là xây dựng khối đồng tâm nhất trí tất cả các thành phần dân tộc, các giai cấp, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là các tôn giáo. Phải rất văn hóa mới có thể “cầu đồng tồn dị”.
Ngày nay, Đảng ta nói là tìm thấy điểm tương đồng cũng là nói lên điều đó, tức là mỗi tôn giáo có sự khác biệt luôn tồn tại đó là “tồn dị”, nhưng lại có điểm tương đồng với nhau, có thể ngồi lại cùng nhau, hợp sức cùng nhau, đó là “cầu đồng”. Phải rất có văn hóa mới có thể coi trong tôn giáo có một phần của văn hóa, coi tín ngưỡng là một phần tâm linh của đồng bào theo đạo hay không theo đạo và cần phải được tôn trọng; từ đó, mới thấy được tinh thần bác ái của Chúa Giêsu hay đức từ bi hỷ xả của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Năm 1947, rằm tháng bảy Bác Hồ đã viết thư gửi Hội Phật tử Việt Nam: “Đức Phật là đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh tranh đấu để diệt lũ ác ma”. Hiểu đạo đức của Đức Phật, với tình thương yêu bao la từ cỏ cây, muông thú, nhưng Hồ Chí Minh cũng thấy, phần lớn các vị sư trước khi thoát tục đều có nỗi đau riêng và có thêm nỗi đau nhân thế, khi đất nước bị thực dân đô hộ làm gì có nhân tình thế thái, chỉ có bất công và bạo ngược đến mức mọi con người, mọi gia đình đều bị giày xéo, tan nát. Nước mất, những người dân là người dân nô lệ, tôn giáo cũng mất tự do. Điểm tương đồng giữa những người theo đạo Phật và quần chúng nhân dân đó là mong ước được tự do, được tôn trọng, được hạnh phúc, kể cả hạnh phúc tìm được ở nơi cửa Phật. Hồ Chí Minh đã khai thác triệt để hành vi nhân văn của Đức Phật khi yêu ma tàn sát chúng sinh, Đức Thích Ca đã ra tay diệt chúng để cứu giúp dân lành. Đạo đức Hồ Chí Minh có hình bóng của Đức Phật, tu tâm dưỡng tính, chất phác giản dị, tất cả để dâng hiến cho đời. Bác đã đưa các nhà sư từ tu tâm, dưỡng tính, ẩn dật nơi cửa chùa, bóng Phật thành những người đem cái Đức của đạo Phật cứu giúp chúng sinh nơi trần thế chứ không cần đợi đến lúc về đất Phật - Niết bàn. Đạo của Đức Phật cũng đi tìm và đem lại hạnh phúc cho nhân gian. Hồ Chí Minh cũng đi tìm con đường và đem lại hạnh phúc cho đất nước và dân tộc, đó chính là điểm tương đồng. Văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị Hồ Chí Minh vừa có những điểm rất gần với mục tiêu của các tôn giáo, đó là quan điểm nhân sinh, song vừa có những điểm khác biệt về thế giới quan và hành động vị nhân sinh. Cái cơ bản tìm được tiếng nói chung để đi đến hành động chung giữa các tôn giáo và văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự tôn trọng, sự thấu hiểu là mục đích nhân bản, nhân đạo và nhân văn.
Với Đức Chúa Giêsu, Hồ Chí Minh rất mực tôn trọng, coi Đức Chúa là bậc thầy của mình. Có một số người ngộ nhận cho rằng, Thiên Chúa Giáo do chủ nghĩa thực dân đem vào Việt Nam với mục đích để xâm lược Việt Nam. Bác Hồ có một cách nhìn khác, đồng bào theo đạo Thiên Chúa là người Việt Nam, cũng là con dân Việt Nam, cho nên nếu “Nước không được độc lập, thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập trước đã”. Ngày 21-12-1947, trong thư gửi đồng bào theo đạo Thiên Chúa nhân dịp Chúa giáng sinh, Bác viết: “Gần 2000 năm về trước, Đức Chúa đã cho loài người quyền tự do và dạy loài người lòng bác ái. Thế mà thực dân phản động Pháp tàn sát đồng bào ta, phá phách nhà thờ chung, khinh rẻ tôn giáo. Chúng làm trái với lòng Chúa, chúng sẽ bị tội và sẽ thất bại”. Người tin tưởng ở cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ thắng lợi bởi vì cuộc kháng chiến ấy có sự phù hộ của Đức Chúa: “Chúng ta toàn dân, giáo cũng như lương, đoàn kết kháng chiến để Tổ quốc được độc lập, tôn giáo được tự do. Đức Chúa phù hộ chúng ta, chúng ta chắc thắng lợi”. Viết như vậy là Bác hết sức kính Chúa, đồng thời cũng hết sức tôn trọng đức tin của đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Đó chính là cách hành xử hết sức có văn hóa và văn hóa đạo đức. Tôn trọng đức tin của đồng bào theo đạo, coi đức tin của đồng bào là sự đồng cảm của mình thì chắc chắn đồng bào sẽ tin theo, sẽ đoàn kết trở thành một bộ phận trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào theo đạo Thiên Chúa kính Chúa là yêu nước cũng như mỗi người dân Việt Nam đều có lòng yêu nước; những người cộng sản theo Bác Hồ cũng là những người yêu nước, vì thế cho nên Hồ Chí Minh đã tập hợp được đại đa số đồng bào theo đạo Thiên Chúa, trong đó có cả các vị linh mục. Trong các vị linh mục có nhiều vị trở thành đại biểu Quốc hội, có người giữ trọng trách trong chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh cho rằng: Đức Phật, Đức Chúa và những người xã hội chủ nghĩa đều cùng phấn đấu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong thư gởi Linh mục Trần Tam Tỉnh, Người viết: Mục đích của Chính phủ là chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Song, để đạt mục đích đó cho mọi người cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu Đức Chúa Giêsu sinh vào thời đại chúng ta và đặt mình vào nỗi khổ đau của người đương thời, chắc Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm đường cứu khổ cho loài người.
Hồ Chí Minh tôn trọng các vĩ nhân sáng lập ra tôn giáo, đồng thời tôn trọng những người chức sắc trong các tôn giáo, tôn trọng giáo dân, với mục đích vừa giản đơn, vừa rất sâu sắc là nếu như đức tin của họ là gửi gắm và trông chờ vào sự giải thoát mọi nỗi đau ở một thế giới khác, nhưng cam chịu nỗi bất công, ô nhục ở thế giới này thì hãy gửi gắm đức tin ngay thế gian trần tục này để giúp mọi người giải phóng khỏi bất công, bạo ngược. Đối với một số tín đồ, chức sắc tôn giáo, lợi dụng tôn giáo, khoác áo tôn giáo tiếp tay cho bọn xâm lược, làm nhục Đức Phật, Đức Chúa, phản nước hại dân, Hồ Chí Minh có thái độ kiên quyết, nhưng mềm dẻo. Người khuyên giải linh mục Lê Hữu Từ, động viên khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, tuân thủ lời răn dạy của Chúa, không nên vào hùa với kẻ ác ma đó là bọn thực dân xâm lược… Trong thực tế, có một số người lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị, thực hiện những âm mưu chính trị, tiếp tay cho kẻ thù. Đức Phật, Đức Chúa không dạy bất kỳ một điều ác nào. Đức Phật và Đức Chúa rất nhân từ, dạy con người sống từ bi nhân ái. Chính vì vậy, phải làm cho đồng bào hiểu rõ hành vi và tội ác của những kẻ phản Chúa, hại dân.
Khi một nửa nước đã được giải phóng, trên cương vị là người đứng đầu Đảng, đứng đầu nhà nước, Hồ Chí Minh rất quan tâm tạo điều kiện cho các tôn giáo được hoạt động tự do, để đồng bào được sống tốt đời đẹp đạo. Người yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tôn trọng các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân.
Hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người, văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là sự hòa quyện giữa chính trị với tôn giáo. Chính trị tôn trọng tôn giáo, gần gũi và tạo điều kiện cho các tôn giáo tự do hoạt động. Đạo đức chính trị Hồ Chí Minh có những điểm rất gần với đạo đức tôn giáo, đó là lòng nhân ái, vị tha, là nhân văn hướng thiện. Đạo đức tôn giáo trở thành một phần đời, trong cuộc đời đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là đoàn kết, là xây dựng khối đại đoàn kết để tạo thành sức mạnh, để đem lại hạnh phúc cho mọi người, để phần xác của mọi người được no ấm, hạnh phúc, tự do, chắc phần hồn khi giải thoát cũng sẽ thong dong thanh ...
Theo lichsuvietnam.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!