Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Tại sao Chúa Giêsu biết trước Giuđa sẽ phản bội Ngài, mà Ngài vẫn để yên cho Giuđa dẫn người đến bắt Ngài?

Thưa cha,
Con xin hỏi: Tại sao Chúa Giêsu biết trước Giuđa sẽ phản bội Ngài, mà Ngài vẫn để yên cho Giuđa dẫn người đến bắt Ngài? (Têrêsa Ngọc Nga).

Chị Ngọc Nga mến,

Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản, mà rất khó trả lời!

Từ ngữ “biết trước” là kiểu nói của loài người, vì loài người chúng ta ở trong thời gian và lệ thuộc vào thời gian, nên nói chuyện “biết trước” hoặc “biết sau”. Thiên Chúa thì không ở trong thời gian và không lệ thuộc thời gian, nên Người luôn biết và thấy mọi chuyện ở trong tình trạng hiện tại.

Ở đây, chúng ta chạm phải hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau: lãnh vực của Thiên Chúa, vô biên và luôn hiện tại; lãnh vực của loài người, giới hạn và lệ thuộc thời gian (có quá khứ, hiện tại và tương lai), mà chúng ta không thể nào dung hòa được trong trí tuệ của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể cố gắng mô tả: trong mầu nhiệm nội tại của Người, Thiên Chúa “đang” thấy sự chọn lựa tự do của loài người để đi theo ý Người hoặc để chống lại ý Người, dù trong thế giới con người, điều đó chưa xảy ra: Khi đó, chúng ta nói theo cái khung suy tư của chúng ta là “Thiên Chúa biết trước”. “Sự biết trước” này không hề có nghĩa là “tiền định”, là quy định trước cho loài người phải làm ý như thế. Thật ra nếu nói “tiền định”, thì cũng có phần đúng theo nghĩa là Thiên Chúa ban cho con người có tự do “để họ có thể yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau” (Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 387) mà thôi. Nói tổng quát, khi ban cho con người có tự do, Thiên Chúa soi sáng và nâng đỡ để con người biết chọn lựa đúng đắn, nhưng như thế cũng có nghĩa là Người không làm con người mất tự do chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu. Thiên Chúa có khả năng đăc biệt là khi đã ban cho chúng ta điều gì thì điều ấy hoàn toàn thuộc về loài người chúng ta, y như thể điều đó hoàn toàn phát xuất từ chúng ta. Khả năng chọn lựa là một ơn như thế. Thiên Chúa tôn trọng con người đến mức như thế. Là Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Giêsu chấp nhận ở trong thời gian và lệ thuộc thời gian; có những điều sẽ xảy ra Người không biết (chẳng hạn, ngày tận thế), nhưng cũng có những điều sẽ xảy ra Người cho chúng ta thấy là Người biết “trước”(chẳng hạn, việc Giuđa phản bội). Không những Người “biết trước”, Người còn tìm cách đánh thức lương tâm Giuđa trong nhiều dịp nhiều cách (chẳng hạn, Người báo trước việc phản bội trong bữa Tiệc Ly; tại vườn Ô-liu, Người gọi ông là “bạn” và hỏi tại sao bán Người bằng một cái hôn). Đấy chính là mầu nhiệm tự do của con người mà Thiên Chúa đang tôn trọng. Vì Giuđa vẫn chọn đi theo con đường của ông, thì Đức Giêsu tôn trọng sự chọn lựa đó. Giả sử Giuđa tỉnh ngộ quay trở lại kịp để không trao nộp Thầy thì sao? Đức Giêsu có “thoát khỏi” cái chết thập giá không? Nếu Người thoát chết thập giá, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa phải sụp đổ chăng? Chúng ta không thể nào tưởng tượng về một chuyện không bao giờ có thể xảy ra nữa, nhưng dù sao chúng tôi cũng xin gợi ý thế này: Chúng ta đừng lo rằng Thiên Chúa cạn sáng kiến trong việc cứu chuộc loài người. Đàng khác, cái chết thập giá của Đức Giêsu có giá trị không phải là vì nó đẫm máu, nhưng vì đó là cách thế thâm sâu nhất Đức Giêsu đã chọn với Chúa Cha để bày tỏ được tối đa lòng yêu mến và vâng phục đối với Chúa Cha, là điều mà Ađam và Evà đã đánh mất. Cứ giả sử là không có thập giá đi, chẳng lẽ Đức Giêsu không còn cách nào để diễn tả tối đa lòng yêu mến và vâng phục đối với Chúa Cha sao? Lại có vấn nạn: Trong Cựu Ước có nhiều bản văn báo trước sự phản bội của Giuđa và cái chết đau đớn của Đức Giêsu rồi, tức là Thiên Chúa đã “định trước” cả rồi còn gì? Thật ra, những bản văn đó cho thấy Thiên Chúa “đang thấy” mọi sự (quá khứ, hiện tại, tương lai) của con người – nói theo kiểu loài người, thì Thiên Chúa đã thấy kết quả mọi sinh hoạt của con người từ tạo thiên lạp địa cho đến tận thế rồi –, nhưng không hề có nghĩa là Người “quy định trước” (= tiền định) là con người phải làm y như thế. Với lại thật ra chúng ta chỉ thấy những bản văn Cựu Ước ấy ứng nghiệm sau khi các sự việc đã xảy ra. Dù sao, cần phải thấy trong biến cố Giuđa phản bội, “sự biết trước” của Đức Giêsu không đi ngược lại với việc tôn trọng tự do chọn lựa của ông, Người “biết trước” cũng không có nghĩa là Người quy định trước công việc của ông, để khỏi rơi vào nguy cơ cho là Đức Giêsu biết hết mà còn đóng kịch, hoặc cho rằng Giuđa hoàn toàn đi đúng kế hoạch của Thiên Chúa, thế mà lại bị trách cứ nặng nề!

Trong Cựu Ước, có một câu truyện tương tự ở sách Sáng thế (18,17-33): Thiên Chúa cho Abraham biết là Người định tiêu diệt hai thành Sôđôma và Gômôra. Abraham liền năn nỉ và “xuống nước”: Nếu có năm mươi, rồi bốn mươi lăm, rồi bốn mươi, ba mươi, hai mươi, cuối cùng nếu chỉ có mười người công chính trong thành, không có lẽ Chúa vẫn tiêu diệt người công chính với kẻ bất lương?

Sau đó, ông không “mặc cả” nữa, và thế rồi hai thành đó bị tàn phá. Vấn đề là: nếu thực sự trong thành đó có được số người ít ỏi như ông đề nghị, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ tha, vì Người đã hứa. Nếu Thiên Chúa tha, có nghĩa là trước đó, Người đã quyết định vội vã: chuyện này hoàn toàn bất xứng với Thiên Chúa quá! Còn nếu Người “biết trước” là Abraham sẽ không tìm ra đủ số người công chính như ông đề nghị đâu, biết rằng ông sẽ không dám “mặc cả” cho đến khi chỉ còn lại số người của gia đình Lót, có nghĩa là chắc chắn Chúa sẽ làm như Người đã định, hóa ra là Người chơi trò “mị dân”, cứ mặc kệ cho Abraham năn nỉ cho ông hài lòng, hóa ra là Người lừa ông ấy khi hứa là sẽ tha nếu ôntg tìm ra số người công chính đề nghị: chuyện này cũng chẳng xứng đáng với Thiên Chúa tí nào! Ở đây, Kinh Thánh đã diễn tả bằng kiểu rất “nhân bản” là Abraham được sống rất thân tình với Thiên Chúa nên ông đã trở thành đấng cầu bầu cho kẻ khác và Thiên Chúa cho ông được cùng tham dự vào quyết định về vận mạng của kẻ khác.

Chúng ta còn có thể đặt vấn đề về câu chuyện vườn Địa đàng: Tại sao Thiên Chúa “biết trước” mà lại để cho Ađam và Evà hái và ăn trái cây bị cấm? – Đó là vì Người tôn trọng tự do của con người, để con người có thể lớn lên mà trở thành những người con trưởng thành của Người. Nhưng khi con người đã chọn lựa xấu để đi vào bế tắc, Thiên Chúa lại tìm cách cứu chữa. Điều khiến chúng ta phải suy nghĩ nữa, đó là Thiên Chúa chấp nhận cho con người dùng ơn Người ban (vì tự do là một ơn Chúa) mà chọn chống lại Người.

Trong Tân Ước, có một trường hợp chọn lựa tích cực, đó là tiếng “xin vâng” của Đức Maria. Ở đây cũng vậy, chắc chắn Thiên Chúa “biết trước”, nhưng cũng không có nghĩa là Người quy định cho Đức Maria “phải” “xin vâng”. Chắc chắn Người ban ơn cho Đức Maria có khả năng thưa “vâng” và cũng có đủ khả năng để thưa “không”; nếu không phải như thế, thì lời “xin vâng” của Maria không có tự do, tức không có công phúc. Đức Maria đã chọn thưa “vâng” sau khi đã đặt câu hỏi để xin được soi sáng. Thiên Chúa tôn trọng tự do con người đến mức “treo” kế hoạch vĩ đại là việc Ngôi Lời Nhâp Thể nơi câu trả lời của người trinh nữ làng Nadarét. Giả sử Đức Maria đã không “xin vâng” thì sao? Mầu nhiệm Nhập Thể có thể thực hiện được không? Ở đây cũng vậy, chúng ta đừng lo là Thiên Chúa hết sáng kiến trong việc cứu độ loài người. Thái độ thiêng liêng lành mạnh nhất vẫn là dừng lại nơi những việc đã xảy ra, coi đó là những bài học để chúng ta suy ngẫm rồi chọn lấy cách ứng xử thích hợp.

Thân mến,

Lm Phan Long, ofm
Theo kinhthanhvn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!