Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Mỏ đồng ở Jordan là của Vua Solomon?

thethaovanhoa.vn - 15:35 30-10-2008

(TT&VH) - Kinh Cựu ước có kể về vương quốc Edom của Vua Solomon, “nhà thống trị vĩ đại nhất của Israel”. Những phát hiện mới đây tại một khu mỏ đồng ở vùng Khirbat en-Nahas, nằm ở miền Nam Jordan hiện nay, cho thấy dường như vương quốc và vị vua trên là có thật chứ không phải là sản phảm của sự hư cầu.

Theo Kinh Cựu ước, Solomon là vị vua thứ 3 của Israel. Là con trai của Vua David, Solomon đã thống trị đế chế trải dài từ Euphrates tới mỏm Bắc của Vịnh Aqaba. Tương truyền, ông là người xây dựng Ngôi đền Đầu tiên của người Do Thái ở Jerusalem, sở hữu một lượng vàng lớn và là tác giả của cuốn Book of Proverbs, Ecclesiastes và The Song of Songs . Solomon trị vì Israel trong 40 năm trước khi băng hà vào năm 931 trước Công nguyên. Solomon qua đời, vương quốc của ông trở nên hỗn loạn khi vị Pharaoh Ai Cập Shehonq I đã nỗ lực phá vỡ hoạt động kinh tế của Israel.
Khai quật tại di chỉ Khirbat en-Nahas
Vua Solomon có thực sự tồn tại?


Việc Solomon có thực sự tồn tại cách đây 3.000 năm hay không luôn là vấn đề “hóc búa” của các học giả trong hơn 2 thập kỷ qua, bởi có rất ít chứng cứ khảo cổ ủng hộ cho sự mô tả này của Kinh Thánh. Người ta vẫn cho rằng vào thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên không có một xã hội phức hợp nào ở Israel hay vương quốc Edom lại có khả năng xây dựng được nhiều pháo đài, công trình kỷ niệm và công trình công cộng tinh tế.
Henry Rider Haggard, nhà văn thuộc triều đại Nữ hoàng Victoria (1837-1901), dựa vào những câu chuyện trong Kinh Thánh đã viết tiểu thuyết King Solomon’s Mines (Những khu mỏ của Vua Solomon - 1885), trong đó mô tả các nhà thám hiểm đã phát hiện ra một kho báu chứa đầy vàng, kim cương và ngà voi. Cuốn sách này đã khiến nhiều nhà khảo cổ và người săn lùng báu vật ra sức tìm kiếm các mỏ đó trong suốt thế kỷ qua.
Mỏ đồng tại Khirbat en-Nahas
Trong thập kỷ 40 ở thế kỷ trước, dựa vào kết quả các cuộc khai quật ở Khirbat en-Nahas (theo tiếng A-rập có nghĩa là “tàn tích của đồng”) được tiến hành trước đó, nhà khảo cổ Mỹ Nelson Glueck quả quyết ông đã tìm thấy các khu mỏ của Vua Solomon và Khirbat en-Nahas chính là vùng đất của vương quốc Edom.

Thế nhưng, trong thập kỷ 1980, tuyên bố của Nelson đã bị bác bỏ. Nhiều ý kiến cho rằng Kinh Thánh đã được chỉnh sửa nhiều vào thế kỷ thứ 5 trước CN, trong khi các cuộc khai quật của người Anh trong những năm 1970-80 lại khẳng định phải đến thế kỷ thứ 7 trước CN thời kỳ đồ sắt mới xuất hiện ở vùng Khirbat en-Nahas.

Những phát hiện mới

Từ năm 2002 đến nay một nhóm các nhà nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của Thomas Levy thuộc ĐHTH California ở San Diego và Mohammad Najar thuộc tổ chức “Những người bạn khảo cổ học” ở Jordan tiếp tục khai khai quật ở khu mỏ tại vùng vùng Khirbat en-Nahas. Trên một diện tích rộng 100.000 m2 ở đó có dấu tích của 100 ngôi nhà, một pháo đài và rất nhiều mỏ đồng. Khi xác đại các chất liệu từ một lò xỉ đồng cách mặt đất khoảng 6m cũng như các đồ tạo tác Ai Cập được tìm thấy tại đây như đồ trang sức hình con bọ hung và chiếc bùa hộ mạng hình đầu sư tử có niên đại từ thời Pharaoh Shehonq I, các nhà bất ngờ phát hiện ra rằng chúng có niên đại vào khoáng từ thế kỷ thứ 9 đến 10 trước Công nguyên, tức là đúng vào thời gian trị vì của Vua Salomon như Kinh Cựu ước mô tả. Họ kết luận những mỏ đồng này có thể là của Vua Salomon, đúng như nhận định mà nhà khảo cổ Nelson Glueck từng đưa ra.

Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS).

Vẫn còn tranh cãi

Tuy nhiên, nhà khảo cổ Piotr Bienkowski thuộc trường ĐHTH Manchester (Anh) cho rằng Levy quá chú trọng tới tầm quan trọng vào việc xác định niên đại carbon vì không có chứng cứ của một nơi cư trú. Điều đó cho thấy di chỉ này nằm trong hoạt động theo định kỳ của những người du canh du cư chứ không gắn kết với bất cứ thành phố hay vương quốc nào. Như vậy còn quá sớm để nói đến những liên kết với một Solomon của kinh Thánh”. Còn nhà khảo cổ Israel Finkelstein thuộc trường ĐHTH Tel Aviv cho rằng việc xác nhận những mô tả trong kinh Cựu ước “có nghĩa là lờ đi 2 thế kỷ nghiên cứu Kinh Thánh”. Theo ông những mô tả này, được viết ở thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên dựa trên những mối quan tâm mang tính thần học và nền tảng xã hội thời đó “không thể coi là có căn cứ”.
Nhưng nhà nghiên cứu Levy đã nhấn mạnh việc là nhóm của ông đã tìm được những đồ tạo tác Ai Cập và giải thích: “Shehonq I là một trong số ít các vị Pharaoh có tên trong Kinh Cựu ước. Theo Kinh Cựu ước, đội quân của Shehonq I đã chinh phục được khu vực Thebes sau khi Vua Solomon qua đời. Chúng tôi có minh chứng cho thấy các xã hội phức hợp thực sự hoạt động trong thế kỷ thứ 10 và 9 trước CN và kết quả này đưa chúng ta trở lại cuộc tranh cãi về tính chất lịch sử của những câu chuyện trong Kinh Thánh liên quan đến thời kỳ này. Chúng ta không tin tuyệt đối vào những tư liệu cổ, song cuộc nghiên cứu này tượng trưng cho sự hội tụ giữa khảo cổ, dữ liệu khoa học và Kinh Thánh. Không trả lời câu hỏi liệu Solomon có thực sự tồn tại hay không, nhưng chúng tôi đưa ra một dữ liệu để nhìn nhận lại những vấn đề đó”.

Lương Tuấn Vĩ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!