Trần Khải
Các tôn giáo vẫn đang phát triển tại Việt Nam, cũng như tại hầu hết các nước Châu Á khác, bất kể các trở ngại ở từng địa phương. Điều này cho thấy một tương lai tốt đẹp cho toàn vùng, nếu khía cạnh nhân ái và hòa bình của các tôn giáo được tiếp cận và ảnh hưởng rộng hơn. Và viễn ảnh tốt đẹp nhất chắc chắn sẽ là: các tôn giáo sẽ cùng làm cho con người thăng hoa hơn, sống hòa hài với nhau hơn, yêu thương nhau hơn, cảm thông nhau hơn.
Tình hình tôn giáo tại Việt Nam đã được cởi mở hơn. Đó là theo lời Đại Sứ Mỹ Michael Michalak khi trả lời nhà báo Nguyễn Anh Tuấn trên mạng VietNamNet ngày 20-11-2007 với cuộc phỏng vấn có nhan đề "Đại sứ Mỹ: Sẽ mở rộng các quỹ học bổng cho VN."
Cụ thể, đại sứ Michael Michalak nói: "…Trong lĩnh vực tôn giáo, kết quả tại Việt Nam rất tuyệt vời, mọi người đều có thể thực hành tín ngưỡng của mình... Tất nhiên, ở đất nước nào cũng vậy, luôn tồn tại những vấn đề chưa được giải quyết…"
Nếu chỉ nhìn vào các con số, thì phần nào đúng là tuyệt vời, theo nhận định của đại sứ Mỹ. Thí dụ, trong bản "Báo Cáo Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Năm 2007 - do Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động , Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, công bố ngày 14/9/2007," đăng trên trang web Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ hanoi.usembassy.gov/ trong đó có một con số nổi bật là, "Ước tính số tín đồ Tin Lành trong cả nước dao động từ 500 nghìn -theo con số chính thức của Chính phủ - đến 1,6 triệu theo ước tính của các nhà thờ. Ước tính trong thập kỷ qua, số lượng tín đồ Tin Lành tăng 600%, bất chấp những quy định ngặt nghèo của Chính phủ đối với hoạt động cải đạo và các hoạt động khác của giáo hội. Một số tín đồ cải đạo mới này thuộc các hội thánh tại gia không đăng ký. Theo tính toán của các tín đồ, 2/3 tín đồ Tin Lành là người dân tộc thiểu số như dân tộc H'mông, Dao, Thái và các nhóm thiểu số khác vùng Tây Bắc và Tây Nguyên (Ê-đê, Gia-rai, Mơ-nông và các dân tộc khác)…" (hết trích) Nghĩa là, tốc độ lạc quan này nếu kéo dài hai thập niên tới thì có thể nửa dân số VN sẽ là tín đồ Tin Lành.
Tuy nhiên, trong cuộc nói chuyện nhiều tính thân hữu với tuổi trẻ VN, đại sứ không nhắc tới phần "tồn tại những vấn đề chưa được giải quyết" có ghi trong bản Báo Cáo.
Thí dụ, trích từ Báo Cáo trên: "…. Tháng 6/2007 một nhóm 150 mục sư thuộc Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm (IEM) bị các nhà chức trách tỉnh Bình Phước giam trên xe vài giờ sau một buổi cầu nguyện với sự tham gia của 2.000 tín đồ. Các nhà chức trách địa phương chất vấn các chức sắc về việc "truyền bá phúc âm và tổ chức tụ họp không xin phép". Nhóm này sau đó được phép quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, và trưởng ban tôn giáo tỉnh đề nghị hỗ trợ IEM xin đăng ký hoạt động ở tỉnh…..." (hết trích)
Tình hình này cho thấy rằng trong khi còn "tồn tại những vấn đề" mà Tin Lành tăng tốc phát triển tới 600%, thì nếu khi gỡ hết các "tồn tại" thì sức phát triển kể như là thần tốc.
Chuyện thực sự không phải vì chính phủ Hà Nội ưu đãi Tin Lành. Nếu đọc kỹ bản Báo Cáo, chúng ta vẫn thấy có các hệ phái bị ngăn trở, và có các địa phương liên tục làm khó dễ Tin Lành. Nhưng với con số phát triển tín đồ ở mức 600% thì dễ dàng thấy rằng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không muốn đưa CSVN vào danh sách Các Nước Quan Ngại CPC nữa.
Khả năng phát triển tăng tốc đó phần lớn nhờ sức tiếp cận nhanh nhẹn về mặt xã hội của các mục sư Tin Lành. Bản tin Anh Ngữ hôm 15-11-2007 của thông tấn nhà nước VNA trên báo Thanh Niên (http://www.thanhniennews.com/overseas/?catid=12&newsid=33483) cho biết Mục Sư Nguyễn Xuân Bảo từ hải ngoại về "đã tặng 20 tấn gạo cứu trợ cho 1,000 hộ gia đình ở tỉnh Quảng Bình, nơi bị lụt thê thảm cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Mục sư Bảo và hội cựu trợ của ông Vietnam Protestant Church Association đã trợ giúp cho cự dân hai xã Văn Thủy và Trương Thủy qua Hội Hồng Thập Tự ở tỉnh Quảng Bình. Đây là lần thứ 47, Mục Sư Bảo về VN để cứu trợ các nơi bị bão lụt và là lần thứ 3 tới tỉnh Quảng Bình." (hết trích dịch)
Thử hình dung rằng một vị mục sư trong hơn một thập niên đã về VN cứu trợ tới 47 lần. Nhiệt tâm này chắc chắn là đã mở ra được nhiều cánh cửa ngờ vực của các chính quyền địa phương, và chắc chắn đã mời gọi được nhiều dân Việt Nam cải đạo vào Tin Lành. Trong khi đó, về phía Phật Giáo, nếu có vị sư hay vị ni nào từ Hoa Kỳ về nước chừng vài lần là thấy đuối sức ngay: lo trả tiền đất, tiền chùa, tiền xe tại Mỹ đã là quá mệt, và sau nữa là dễ có điều tiếng tranh cãi trong hàng ngũ các tăng ni hải ngoại.
Mục sư Bảo đang giảng đạo (hình của Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Việt Nam)
Tình hình Tin Lành không chỉ nhờ các mục sư hải ngoại về giúp, mà còn tự thân các mục sư trong nước cũng có sức lôi cuốn riêng. Như lời một mục sư trả lời báo Công An trong bản tin hôm Thứ Năm 1-11-2007 có nhan đề "Mục sư Trần Bá Thành - quản nhiệm nhà thờ Tin lành Nguyễn Tri Phương: 'Tôi đã được chính quyền giúp đỡ xây dựng 20 nhà thờ Tin lành.'"
Mục sư Thành nói rằng ông là người quản nhiệm của một nhà thờ Tin Lành lớn nhất thành phố Sài Gòn và hệ thống 20 nhà thờ khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ mà ông thành lập.
Trong đó, trích: "…Mục sư Thành cho biết, nhà thờ do ông quản nhiệm có đến 4.000 giáo dân. Đặc biệt, nhà thờ Nguyễn Tri Phương là nơi sinh hoạt, cầu nguyện thường xuyên của khoảng 1.000 người Hàn Quốc. Vào mỗi ngày chủ nhật, nhà thờ tiến hành hai lễ cho người Việt Nam và một lễ riêng cho người Hàn Quốc, do mục sư người Hàn Quốc tổ chức. Mục sư Trần Bá Thành đã quản nhiệm nhà thờ này suốt 33 năm qua…..." (hết trích)
Trong tình hình đó, cho dù không được hỗ trợ mạnh từ quốc tế và hải ngoại như các tôn giáo khác, Phật Giáo vẫn tìm cách phát triển trong cách riêng, hầu hết là ở các thành phố lớn, nơi đó các vị sư và ni vẫn tu học, hoằng pháp, hướng dẫn thiền tập và niệm Phật, dịch kinh sách, tụng kinh tang lễ và cầu an, dạy bát quan trai, vân vân…... Nhiệm vụ hoằng pháp của các tăng ni bây giờ còn nặng nhọc hơn bao giờ hết trong lịch sử dân tộc: không chỉ cạnh tranh với các tôn giáo bạn, mà còn phải lo bắt kịp với làn sóng toàn cầu hóa trong lúc toàn bộ đời sống của 84 triệu dân đang mưu sinh gay gắt giữa các biến đổi mới; không chỉ tìm cách làm cho các mê tín bị xóa nhòa, mà còn phải hướng dẫn các pháp tu thích ứng trong một xã hội đang bận rộn hơn với các nhu cầu mới của toàn dân. Các vị sư và ni ở quê nhà không chỉ là gánh vác Phật sự trong nước, mà còn phải lo học ráo riết để làm nơi nương tựa cho Phật Tử.
Hỗ trợ từ hải ngoại lớn lao nhất trong việc giúp các vị sư ni trong nước quảng bá Phật Giáo gần đây là từ Thầy Nhất Hạnh và Tăng Đoàn Làng Mai. Trước đó vài năm, thực ra đã có Thầy Thích Duy Lực từ Hoa Kỳ về nước quảng bá Tổ Sư Thiền, và bây giờ chỉ là một tông phái nhỏ, phần cũng vì pháp môn Tham Thoại Đầu của cố Thiền Sư Duy Lực dạy quá khó, ít người tiếp cận được. Nhưng di sản vài chục cuốn sách do Thầy dịch từ Kinh, Luận, Ngữ Lục và thế hệ kế thừa với vài trăm vị sư ni miệt mài theo pháp Tham Thoại Đầu của Thầy cũng là một dấu ấn lớn trong dòng lịch sử chuyên tu của Phật Giáó quê nhà.
Mặt khác, tuy bản Báo Cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ nói rằng đa số tín đồ Tin Lành là người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, nhưng tại nhiều nơi ở Miền Tây đã có nhiều làng gần như toàn tòng Tin Lành.
Ni Sư Như Thủy (trú xứ ở Vĩnh Long) cách nay vài năm, khi sang Hoa Kỳ thăm các pháp lữ, đã kể rằng ni sư từng nhiều lần đi thăm tỉnh Đồng Tháp, có nơi đi liền mấy ngày không thấy ngôi chùa nào, mà cứ thấy mỗi làng là một nhà thờ Tin Lành, và có nơi mỗi cổng nhà là một cây Thánh Giá. Các băng nói chuyện này hiện còn lưu trên trang web http://suoitumedia1.net/nisunhuthuy.htm, xin hạ tải hai loạt băng "Vía Địa Tạng" và loạt băng giảng "Hỏi và Đáp," để nghe tình hình Tin Lành ở Miền Tây. Có nghe như thế, mới thấy công việc hoằng pháp của các tăng ni quê nhà rất là nặng nhọc, và thiếu nhiều phương tiện. Và cũng là để cảm phục tấm lòng những vị sư ni một lòng với đạo. Như trường hợp ni sư Như Thủy trong một tape nói trên đã phát nguyện là sẽ đời đời kiếp kiếp tái sanh làm người Việt Nam để hoằng pháp.
Người hải ngoại và dân các thành phố lớn VN không hình dung nổi các chùa ở miền quê thiếu thốn tới dường nào. Như trường hợp Chùa Minh Chơn. (ở núi Thị Vải, ấp Vạn Hạnh, xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) hiện do Thầy Thích Quảng Đạt trụ trì. Thầy sau khi tốt nghiệp Trường Cao Trung Phật Học TP Sài Gòn được Hòa Thượng Bổn Sư là Thầy Thích Chánh Trực giao phó tu bổ chùa này, nguyên tân lập năm 2002, và năm 2003 khi Hòa Thượng viên tịch thì Thầy Quảng Đạt lên trụ trì. Chùa đang nuôi 37 chú tiểu, tuổi từ 7 tuổi tới 21 tuổi, và Thầy phải lo tiền học, tiền ăn cho toàn bộ các chú rất là vất vả. Nhiều ngày thiếu gạo, Thầy phải về Sài Gòn để tìm giúp đỡ. Một nhóm thân nhân tại Sài Gòn của người viết bài này vẫn đang hộ trì để giúp Thầy Quảng Đạt nuôi các chú tiểu ăn học. Hiện thời, mẹ của nhóm hộ trì Chùa Minh Chơn là dì ruột của tôi, 71 tuổi, đang sống ở Quận Cam, hàng tháng vẫn gom tiền các bạn già và người quen để gửi về giúp Chùa Minh Chơn. Muốn biết các khó khăn này, hay muốn hỗ trợ, xin gọi điện thoại cho dì tôi là Đinh Thị Thanh Trang số (714) 839-8842. Đa số các chùa ở quê nhà thực sự nghèo tới như thế đấy. Nghèo tới nổi nhiều khi tôi nghe chuyện hay đọc thư mà chảy nước mắt.
Nói vậy không phải để gợi lên các suy nghĩ chia rẽ giữa các tôn giáo, bởi vì Phật Giáo tin rằng chuyện gì cũng có nhân duyên, có sinh thì có diệt, có hợp thì có tan, xuân tới thì hoa nở, thu tới thì hoa tàn... Nhưng nói thế để biết rằng tất cả các tôn giáo đều đang ý thức nhu cầu phát triển, để gìn giữ đạo đức trong xã hội, để giúp người dân sống hòa hài và tu đức tốt đẹp, và để tìm một điểm chung cho các tôn giáo.
Điểm chung đó là, để cùng giúp thăng hoa cho con người Việt Nam. Và rồi, để cùng giúp thăng hoa cho dân tộc Việt Nam.
Trần Khải
11-28-2007 12:34:45
Theo Thuvienhoasen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. bạn có nhận xét gì về bài viết và quan điểm của bạn hãy để lại vài lời chia sẻ cùng mọi người. Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tính góp ý xây dựng sẽ bị xoá ngay. Các nội dung gõ bằng tiếng Việt, có dấu rõ ràng sẽ không làm người khác hiểu lầm. Xin trân trọng cảm ơn bạn đã ghé thăm blog.Chúa ban phước cho bạn!